Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực:
1. Chính sách về phát triển nguồn nhân lực
Sự ổn định về chính trị, sự nhất quán về quan điểm chính sách sẽ tạo điều kiện cho công tác đào tạo và phát triển được thực hiện một cách suôn sẻ; nó cũng luôn là sự hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư mà đầu tư cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực không phải là ngoại lệ. Hệ thống pháp luật về việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được xây dựng và hoàn thiện cũng là điều kiện thuận lợi cho công tác này cũng như các tổ chức.
Qua đây, chúng ta nhận thấy các các nhà quản lý không chỉ quan tâm đến các yếu tố của con người mà cần chú ý đến các yếu tố quản lý để có những hướng điều chỉnh, phát triển hay duy trì và thay đổi chương trình đào tạo và phát triển cho người lao động nhằm đem lại hiệu quả và đồng thời tạo động lực cho cá nhân người lao động làm việc tốt hơn.
2. Nguồn và chất lượng đầu vào của nguồn nhân lực
3. Trình độ cơ sở vật chất và khả năng tài chính ở các cơ sở đào tạo
Ngoài nguồn lực tài chính dùng để trả lương cho đội ngũ cán bộ giảng dạy và quản lý trong các trường, còn cần một lượng không nhỏ để xây dựng mở mang trường lớp, các thiết bị văn phòng, máy tính, dụng cụ vật tư kỹ thuật cho thí nghiệm thực hành, các thiết bị phục vụ cho hoạt động giảng dạy có chất lượng cao, giáo trình và tài liệu cho sinh viên học và tham khảo.
Thực tế đã chứng minh để đáp ứng yêu cầu nhân lực kỹ thuật không thể thiếu điều kiện trang thiết bị và xưởng thực hành. Không có các điều kiện trên việc tiếp xúc với trang thiết bị trở nên xa lạ, sinh viên không được làm quen với các thao tác nghề, những kiến thức lý thuyết thu nhận được sẽ mai một dần theo năm tháng, kỹ năng của người thợ không được hình thành.
Hơn nữa, nếu không có nguồn tài chính để bổ sung các thiết bị hiện đại cho sinh viên thực hành sẽ không đáp ứng khoa học công nghệ hiện nay và cũng không thể đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực theo hướng kinh tế tri thức.
4. Trình độ đội ngũ giáo viên giảng dạy và cán bộ quản lý
Đối với sinh viên, tấm gương về đạo đức, nhân cách, tài năng của người thầy có tác dụng rất lớn đối với việc hình thành nhân cách, tài năng của họ. Muốn có trò giỏi (nguồn nhân lực có chất lượng) ắt phải có thầy giỏi, bởi trong thực tế người thầy không thể cho học sinh của mình cái mà mình chưa có được. Trình độ chuyên môn của thầy yếu dẫn tới việc truyền tải tri thức và tay nghề cho sinh viên không đầy đủ, thậm chí còn sai lệch, học sinh thông minh nhưng không có thầy giỏi dẫn dắt thì sự thông minh ấy không thể trở thành nhân tài được. Vì vậy phải xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, đồng thời phải chú trọng việc nâng cao trình độ giáo viên trong các trường, tạo điều kiện cho họ được cập nhật với các tri thức khoa học hiện đại và phát triển đội ngũ giáo viên tài năng.
Trong các nhà trường để hoạt động đào tạo đạt được kết quả, ngoài đội ngũ cán bộ giảng dạy không thể thiếu đội ngũ cán bộ quản lý với năng lực, trình độ, trách nhiệm cao trong bộ máy quản lý hành chính. Thực tế cho ta thấy mọi hoạt động trong nhà trường cần được tiến hành một cách đồng bộ và thống nhất. Vì vậy cần phải có hệ thống quản lý từ Ban giám hiệu đến các phòng, ban chức năng để thực hiện các công việc từ quản lý con người đến quản lý và điều hành các hoạt động giáo dục rèn luyện ý thức đạo đức cho sinh viên, cũng như hoạt động giảng dạy, hoạt động phục vụ cho giảng dạy, hoạch toán thu chi, mua sắm và vận hành, bảo quản các trang thiết bị, cơ sở vật chất… Một bộ phận nào đó trong hệ thống trên bị trục trặc hay suy yếu đều ảnh hưởng và gây ách tắc tới hoạt động của các bộ phận khác, do đó ảnh hưởng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo và tăng chi phí đào tạo nguồn nhân lực. Nhưng việc thực hiện tốt các hoạt động trong hệ thống trên lại phụ thuộc vào trình độ năng lực và ý thức trách nhiệm của chính những con người được quyền phân công và sử dụng đội ngũ cán bộ, giáo viên trong nhà trường. Cho nên phải có đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực trình độ phù hợp với công việc và ý thức trách nhiệm cao.
5. Chất lượng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế và trình độ trang thiết bị kỹ thuật – công nghệ
Việc xây dựng những công trình kinh tế lớn của quốc gia, mở mang và nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất, xây dựng và phát triển các khu kinh tế với những mô hình thích hợp ở các vùng chậm phát triển, tăng cường các hoạt động đầu tư nước ngoài và liên doanh liên kết rộng với các cơ sở kinh tế địa phương… đều tạo khả năng thu hút nguồn lao động lớn và đặt ra yêu cầu lớn về đào tạo nguồn nhân lực.
Chiến lược phát triển KT-XH thời kỳ 2001-2010 của nước ta yêu cầu chú trọng đẩy mạnh các ngành công nghiệp chế tạo, xây dựng một số ngành công nghệ kỹ thuật cao, nâng cao từng bước trình độ công nghệ trong mọi ngành sản xuất, phát triển công nghiệp nhỏ và dịch vụ nông thôn theo hướng văn minh hiện đại, nâng chất lượng và giá trị nông sản hàng hoá để tăng sức cạnh tranh, phát triển đa dạng thương mại dịch vụ, phát triển du lịch sớm trở thành mũi nhọn…
Trình độ trang thiết bị kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và các ngành kinh tế, cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, các trang thiết bị kỹ thuật trong sản xuất và kinh doanh cũng ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, do đó đòi hỏi phải có nguồn nhân lực phù hợp để trước hết có thể sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị hiện có để nâng cao hiệu quả đầu tư sau đó là sự tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng một cách sáng tạo các thiết bị công nghệ mới.
Thực tế cho thấy đầu tư xây dựng cơ bản tăng nhưng thiếu người lao động và thiếu sự đồng bộ giữa trình độ công cụ lao động với trình độ chuyên môn của người lao động thì hiệu quả lao động không cao, gây lãng phí vốn đầu tư trong xã hội. Tính đồng bộ giữa trình độ công nghệ cao với trình độ kỹ thuật và công nhân lành nghề đòi hỏi hoạt động đào tạo phải đáp ứng đủ và đúng chuyên môn, ngành nghề, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề để có thể làm chủ các công nghệ mới.
Trong xu thế hội nhập hiện nay, muốn nhập khẩu công nghệ cao hơn phải tổ chức đào tạo nguồn nhân lực tốt hơn; đã có rất nhiều bài học thất bại khi một nước sử dụng công nghệ ngoại nhập trong khi trình độ chuyên môn người lao động trong nước còn non yếu. Nếu thiếu các chuyên gia giỏi về khoa học công nghệ và quản lý, thiếu đội ngũ kỹ thuật viên và công nhân lành nghề thì không thể ứng dụng được công nghệ mới, do đó phải đào tạo nguồn nhân lực.
Việc đào tạo nguồn nhân lực không chỉ đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng mà còn phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng sao cho việc sắp xếp, phân công đó phải đảm bảo sự hợp lý, đúng người đúng việc như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy “Xem người ấy xứng với việc gì, nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ cũng không được việc” .
6. Thị trường lao động
Việc hình thành và quản lý tốt thị trường lao động hiện nay có vai trò quan trọng đối với đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Nó cung cấp thông tin cho đào tạo nguồn nhân lực để có thể cung ứng nhu cầu nhân lực cả về quy mô, cơ cấu, đồng thời thông qua thị trường lao động, các cơ quan đơn vị kinh tế có điều kiện để tuyển chọn lao động theo yêu cầu của mình.
Thông qua thị trường lao động, người lao động tìm được công việc phù hợp với trình độ chuyên môn và sở trường của mình. Do đó cho phép nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực;
Cơ chế chính sách tuyển dụng nguồn nhân lực: đây là yếu tố có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả đào tạo và khai thác, sử dụng nguồn nhân lực. Trong cơ chế cũ Nhà nước chủ trương kế hoạch hoá từ việc đào tạo nguồn nhân lực, tuyển dụng, sử dụng cho đến khi thôi việc. Việc thực hiện kéo dài chính sách này đã làm nảy sinh những hiện tượng không tích cực như đào tạo và sử dụng không ăn khớp, dư thừa lao động trình độ đại học, thiếu công nhân lành nghề, triệt tiêu động không kích thích người lao động làm việc có hiệu quả, không khuyến khích nâng cao trình độ tay nghề, chạy theo số lượng trong tuyển dụng lao động mà không chú trọng đến hiệu quả.
Quan điểm sử dụng hết nguồn lao động xã hội đã dẫn tới tình trạng tuyển dụng ồ ạt làm cho bộ máy làm việc trở nên cồng kềnh, kém hiệu lực.Với việc tuyển dụng lao động theo cơ chế thị trường, người lao động nào đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng thì người đó có việc làm. Cơ chế này đã tạo điều kiện cho người lao động có thể nhận được công việc phù hợp với trình độ năng lực của mình nên hiệu quả lao động cao, đồng thời thông qua việc được nhận thù lao lao động tương xứng với trình độ năng lực, người lao động có ý thức cao hơn trong việc học tập, rèn luyện nâng cao trình độ và kỹ năng nghề nghiệp và do đó lại làm cho kết quả đào tạo nguồn nhân lực được nâng cao hơn nữa về chất.