Quy tắc 10x là gì?
Phương pháp 10x thinking, còn được gọi là Moonshot thinking hoặc quy tắc x10, là một khái niệm trong lĩnh vực quản lý và sáng tạo, nhằm thúc đẩy sự đột phá và đạt được thành công phi thường.
Ý tưởng cốt lõi của 10x thinking là hình dung, lập kế hoạch và hành động với mục tiêu nâng cao thành công gấp 10 lần so với mục tiêu ban đầu. Phương pháp này thử thách chúng ta phải tư duy một cách “đột phá”, vượt lên trên tốc độ thay đổi thông thường. Thay vì suy nghĩ theo “lối mòn” như mọi người thường làm, nguyên tắc 10x đòi hỏi ta phải chuyển đổi cách tư duy, tìm kiếm các giải pháp “phi thường”, mang lại kết quả “đột biến” nhanh nhất.
Phương pháp 10x thinking khuyến khích sự sáng tạo và tư duy táo bạo, khám phá những cơ hội mới và xác định những rào cản cản trở tiến tới mục tiêu. Nó yêu cầu sự tập trung cao độ, khả năng vượt qua giới hạn, và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Bằng cách áp dụng 10x thinking, các doanh nghiệp, tổ chức và nhóm làm việc có thể đạt được những thành công đáng kể và vượt qua những giới hạn đang tồn tại.
Nguồn gốc quy tắc 10x thinking
Quy tắc 10x được cho là bắt nguồn từ Astro Teller – trưởng nhóm Google X (hiện đổi tên thành X), đã thúc đẩy ý tưởng của “Moonshot Thinking” (Tư duy Moonshot). Tư duy Moonshot của Astro Teller và Google X nhấn mạnh việc đặt mục tiêu cao cấp và tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn, khó khăn thông qua các giải pháp công nghệ đột phá. Các dự án của Google X như Google Glass, Project Loon, và xe tự lái đều mang tính chất đột phá và hướng tới những thay đổi mang tính chất cách mạng.
Teller chia sẻ về sức mạnh của tư duy 10x như sau: “Có những cách để bạn tự kiểm tra xem liệu mình đã dám suy nghĩ đủ lớn hay chưa. Phương châm chúng tôi áp dụng ở Google X là phải làm tốt hơn 10 lần, chứ không phải 10%. Nếu tôi yêu cầu bạn sản xuất một chiếc xe chạy 50 dặm một gallon, bạn chỉ cần phải chỉnh lại một chút động cơ hiện có. Nhưng nếu tôi yêu cầu rằng xe phải chạy được 500 dặm một gallon, bạn sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Điều đó đòi hỏi bạn phải tiếp cận vấn đề một cách thực sự khác biệt, ngược lại với trực giác thông thường. Thay đổi cách tư duy mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với đầu tư công sức và nguồn lực vào phương pháp làm việc truyền thống”.
Khái niệm “tư duy 10x” là cốt lõi của chiến lược đổi mới tại Google. Nói một cách đơn giản: đổi mới chỉ thực sự xảy ra khi bạn cố gắng cải thiện điều gì đó gấp 10 lần – thay vì gấp 10%. Quy tắc 10x buộc bạn phải suy nghĩ lại hoàn toàn về một ý tưởng. Nó đưa bạn ra ngoài các mô hình hiện có – buộc bạn phải hình dung lại cách tiếp cận vấn đề.
Quá trình phát triển & thực hành quy tắc 10x tại Google
Vào cuối những năm 1990, Google là một trong những công ty sau bước so với các công ty tìm kiếm khác trong ngành, nhưng họ đã vượt trội gấp 10 lần so với các đối thủ cạnh tranh. Thành công này bắt nguồn từ tư duy “10x” của hai đồng sáng lập Page và Brin, một tư duy dám nghĩ và dám làm.
Khi xác định sứ mệnh cho công ty, họ không chỉ hướng tới mục tiêu đơn thuần là “xây dựng một công cụ tìm kiếm cạnh tranh trên thị trường”. Thay vào đó, họ tuyên bố:
“Sứ mệnh của chúng tôi là tổ chức lại cơ sở dữ liệu của thế giới, làm cho thông tin trở nên hữu ích và có thể truy cập được bởi mọi người trên toàn cầu.”
Tuyên bố này có vẻ “phi thực tế” đối với hai tiến sĩ trẻ tuổi với xu hướng học thuật hơn là kinh doanh. Tuy nhiên, chính những học giả đó đã thành công trong việc xây dựng một thương hiệu trị giá hàng ngàn tỷ đô la. Larry Page đã viết trong một lá thư gửi cổ đông vào năm 2013:
Thật đáng kinh ngạc với những gì bạn có thể đạt được chỉ với một nhóm nhỏ thành viên – nếu bạn bắt đầu từ những nguyên tắc cơ bản và không bị “vướng bận” bởi những phương pháp làm việc sẵn có. Tuy nhiên, theo thời gian, tôi đã nhận ra một điều: rất khó để các đội nhóm có được tư duy này, bởi vì hầu hết mọi người chưa được đào tạo về nó. Họ có xu hướng cho rằng mọi thứ là không thể, hoặc sợ rằng sẽ thất bại. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã dành rất nhiều công sức để tuyển dụng những thành viên có tư duy độc lập tại Google – cũng như để đặt ra những mục tiêu thật lớn. Bởi vì nếu bạn thuê đúng người – những cá nhân dám suy nghĩ táo bạo, bạn sẽ đạt được điều mình mong muốn. Và ngay cả khi thất bại, bạn vẫn sẽ học được một điều gì đó quan trọng.
Quy tắc 10x – không chỉ là một ý tưởng “xa xỉ”
Để minh họa tầm quan trọng của tư duy 10x, hãy xem xét ví dụ về email. Nếu bạn suy nghĩ theo cách truyền thống, bạn sẽ tập trung vào việc cải thiện tốc độ và hiệu suất của quá trình gửi nhận email. Tuy nhiên, nếu bạn đặt mục tiêu cải tiến gấp 10 lần, bạn sẽ phải nhìn nhận vấn đề từ một góc độ hoàn toàn khác.
Chắc hẳn bạn vẫn nhớ các phương tiện truyền thông như máy fax, telex, hay thậm chí thư viết tay. Đó từng là các phương thức giao tiếp thông thường. 20 năm trước, chúng ta không thể tưởng tượng được sự ra đời của email – bây giờ, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Và chúng ta có thể tự tin rằng email sẽ “biến mất” trong tương lai không xa.
Mặc dù khó tưởng tượng, nhưng điều này không hoàn toàn không có căn cứ. Ví dụ, hầu hết các thế hệ trẻ hiện nay sử dụng email rất ít – thay vào đó, họ sử dụng mạng xã hội và tin nhắn là hình thức giao tiếp chính. Trong 10 năm tới, có thể họ sẽ thay đổi hoàn toàn phương thức giao tiếp xã hội.
Theo thời gian, những tiến bộ mới như công nghệ nhận dạng giọng nói đã gần như hoàn thiện, có thể tạo ra một hình thức giao tiếp đa phương thức mới. Giọng nói, video và văn bản – tất cả có thể chuyển đổi cho nhau. Nhiều người thậm chí cho rằng trong 15 năm tới, chúng ta có thể bắt đầu kết nối trực tiếp não với internet.
Quả thực, thế giới đang thay đổi với tốc độ vô cùng nhanh chóng. Và với tình trạng này, thành công sẽ không thể đến với những ai tư duy theo “lối mòn”. Đây là lúc các tổ chức và cá nhân cần phát triển cho mình khả năng tư duy “đột phá” – và quy tắc 10x là bí quyết để “khai mở” tiềm năng đó.
Bạn muốn nâng cao năng lực tư duy và lãnh đạo của bản thân? Hãy đăng ký tư vấn và tham gia ngay các khóa học kỹ lãnh đạo & quản lý nhân sự của TOPCEO, thiết kế bởi đội ngũ chuyên gia với kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường Việt Nam!